Mục lục [Ẩn]
Đào tạo nhân lực luôn là một trong những trụ cột chiến lược của doanh nghiệp, nhưng cũng là một bài toán phức tạp đối với những doanh nghiệp số lượng nhân viên nhiều, mạng lưới kinh doanh trải rộng. Việc tổ chức đào tạo liên tục có thể gây tốn kém thời gian, khó đồng nhất, thiếu cá nhân hóa và không đo lường được hiệu quả thực tế. Trước bối cảnh đó, với sự phát triển của AI trở thành giải pháp giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình đào tạo. Hãy cùng AI FIRST khám phá những lợi ích của AI trong đào tạo nhân lực.
1. Sự phát triển của AI trong đào tạo nhân sự
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đào tạo nhân sự đã trở thành xu hướng tất yếu ở cả doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam. AI hiện nay đang tạo ra những “trợ lý đào tạo ảo” thông minh, có khả năng cá nhân hóa nội dung học tập, theo dõi tiến độ và đề xuất lộ trình phát triển phù hợp cho từng nhân viên.
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng AI trong đào tạo nhân sự đã bắt đầu được các doanh nghiệp triển khai trong khoảng 3–5 năm trở lại đây, đặc biệt trong các doanh nghiệp có lực lượng nhân sự đông đảo như ngành bán lẻ, ngân hàng, công nghệ, FMCG... Với áp lực đào tạo nhanh – đều – đúng – đủ, các công cụ AI như trợ lý học tập ảo, chatbot đào tạo, hệ thống LMS thông minh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn giờ học mỗi năm mà vẫn đảm bảo chất lượng và khả năng tiếp thu kiến thức của nhân viên.
Đáng chú ý, ngành bán lẻ đang trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong ứng dụng AI vào đào tạo nhân sự. Với đặc thù sản phẩm đa dạng, nhân sự đông và hoạt động theo ca tại nhiều tỉnh thành, các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải tìm ra giải pháp đào tạo vừa linh hoạt, vừa tiết kiệm. Việc kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và các nền tảng AI đã giúp họ chuẩn hóa nội dung giảng dạy, đơn giản hóa quy trình triển khai và giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành trên quy mô lớn.

2. Tại sao doanh nghiệp nên ứng dụng AI trong đào tạo nhân lực
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và tốc độ thay đổi kỹ năng liên tục, việc đầu tư vào đào tạo nhân sự đã trở thành một ưu tiên chiến lược của nhiều doanh nghiệp.Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ thời gian, nguồn lực và công cụ để đào tạo một cách bài bản, quy mô và hiệu quả.
Chính vì vậy, việc ứng dụng AI trong quản lý nhân sự được xem là giải tối ưu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình đào tạo, mang đến một phương pháp tiếp cận mới và linh hoạt hơn.
Dưới đây là những lý do khiến các doanh nghiệp nên sớm triển khai AI vào công tác đào tạo nhân lực:

- Cá nhân hóa lộ trình học tập: AI có khả năng phân tích dữ liệu học tập và hành vi của từng cá nhân, phòng ban để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, vị trí công việc và mục tiêu phát triển của họ.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo: Việc tự động hóa các hoạt động như kiểm tra đầu vào, phân phối tài liệu, chấm điểm và phản hồi giúp giảm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo.
- Tăng tính linh hoạt và khả năng tự học: Nhân viên có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua nền tảng AI, đặc biệt hữu ích với đội ngũ làm việc từ xa, theo ca hoặc trải rộng trên nhiều chi nhánh.
- Theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả dễ dàng: Hệ thống AI cung cấp báo cáo chi tiết về mức độ hoàn thành, điểm số, thời gian học... giúp nhà quản lý đánh giá chính xác hiệu quả đào tạo và ra quyết định kịp thời.
- Nâng cao trải nghiệm học tập: AI giúp tạo ra môi trường học tập sinh động với video ngắn, chatbot tương tác, gamification và phản hồi thời gian thực, giúp nhân viên hứng thú và chủ động hơn trong quá trình học.
- Dễ dàng mở rộng quy mô đào tạo: Doanh nghiệp có thể triển khai cùng lúc cho hàng trăm, hàng nghìn nhân viên với chất lượng đồng đều mà không phụ thuộc vào nguồn lực giảng viên hay địa điểm tổ chức.
3. Ứng dụng của AI trong đào tạo nhân sự đối với doanh nghiệp
AI không chỉ mang lại hiệu quả về chi phí và thời gian, mà còn đang từng bước thay đổi cách doanh nghiệp thiết kế, triển khai và đánh giá hoạt động đào tạo nội bộ. Dưới đây là những ứng dụng nổi bật của AI đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trong thực tiễn, giúp rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững.

3.1. Trợ lý đào tạo ảo
Trợ lý đào tạo ảo là một trong những ứng dụng đột phá của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực đào tạo nhân sự. Không đơn thuần là công cụ hỗ trợ học tập, trợ lý ảo đóng vai trò như một “người hướng dẫn” cá nhân, đồng hành cùng nhân viên trong suốt quá trình phát triển kỹ năng và kiến thức.
Thay vì tổ chức các lớp đào tạo truyền thống theo lịch cố định và phải phụ thuộc vào giảng viên, nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng trợ lý đào tạo ảo, một hình thức huấn luyện viên số được tích hợp AI, có khả năng tương tác trực tiếp với nhân viên học tập. Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), trợ lý AI có thể giao tiếp bằng văn bản hoặc giọng nói, nhắc nhở lịch học, đề xuất nội dung phù hợp và phản hồi các câu hỏi của người học theo thời gian thực.
3.2. Cá nhân hóa lộ trình học tập theo từng nhân viên
Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp đều có trình độ, năng lực và mục tiêu phát triển khác nhau. AI có thể giúp doanh nghiệp xây dựng các lộ trình học tập được “may đo” riêng biệt dựa trên dữ liệu cá nhân như kết quả đầu vào, thói quen học tập, hiệu suất công việc và kỹ năng còn thiếu. Điều này giúp người học tiếp cận đúng kiến thức mình cần, tránh lãng phí thời gian cho những nội dung không phù hợp.
Thay vì đào tạo đại trà như trước đây, AI giúp doanh nghiệp chuyển sang mô hình đào tạo cá nhân hóa, tăng hiệu quả tiếp thu và rút ngắn thời gian học mà vẫn đảm bảo kết quả đầu ra.

3.3. Tự động hóa quy trình kiểm tra và đánh giá
AI không chỉ hỗ trợ trong khâu giảng dạy mà còn phát huy tối đa hiệu quả ở giai đoạn kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Các hệ thống AI có thể tự động tạo đề kiểm tra dựa trên nội dung học, chấm điểm các bài trắc nghiệm và thậm chí cả bài tự luận dựa trên tiêu chí đã thiết lập sẵn.
Ngoài ra, AI còn đưa ra các phản hồi chi tiết, gợi ý cải thiện hoặc đề xuất bài học bổ sung nếu kết quả chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, trong chương trình đào tạo nội bộ của một chuỗi bán lẻ, sau khi nhân viên hoàn thành bài học về sản phẩm mới, hệ thống AI sẽ tự tạo một bài kiểm tra trắc nghiệm ngắn. Nếu nhân viên làm sai nhiều ở phần chính sách bảo hành, AI sẽ gửi gợi ý học lại phần đó hoặc đề xuất bài giảng ngắn 5 phút để củng cố lại kiến thức yếu.
3.4. Hệ thống quản lý học tập thông minh
Các hệ thống LMS (Learning Management System) ngày nay đã được tích hợp AI để trở nên thông minh và hiệu quả hơn. Khác với các hệ thống LMS thông thường, các nền tảng quản lý học tập thông minh tích hợp AI không chỉ lưu trữ nội dung học mà còn phân tích toàn bộ hành trình học của nhân viên, phát hiện lỗ hổng kiến thức, đưa ra cảnh báo sớm với những học viên học chậm tiến độ và đề xuất giải pháp cụ thể.
Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp báo cáo chi tiết theo từng cá nhân, bộ phận hoặc chi nhánh, giúp ban lãnh đạo theo dõi toàn diện và đưa ra quyết định đào tạo chính xác hơn.

3.5. Chatbot đào tạo – hỏi đáp nội bộ theo thời gian thực
AI Chatbot là một công cụ mạnh mẽ trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác cho nhân viên trong quá trình làm việc. Chatbot AI được “huấn luyện” bằng kho dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp như chính sách, quy trình, tài liệu sản phẩm... chatbot có thể trả lời hàng trăm câu hỏi cùng lúc mà không cần can thiệp của con người.
Đặc biệt, trong môi trường làm việc của các ngành bán lẻ hoặc dịch vụ, nơi nhân viên tuyến đầu cần phản hồi khách hàng tức thì Chatbot AI giúp họ chủ động tra cứu thông tin và xử lý tình huống hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tăng năng suất làm việc mà còn góp phần chuẩn hóa kiến thức trong toàn bộ hệ thống.
4. Cách triển khai AI đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp
Với các doanh nghiệp có hàng trăm, hàng nghìn nhân viên trải dài ở nhiều chi nhánh hoặc khu vực, việc tổ chức đào tạo đồng bộ, bài bản và tiết kiệm chi phí luôn là một thách thức lớn. AI không chỉ giải bài toán về quy mô mà còn giúp tăng tính linh hoạt, cá nhân hóa và khả năng kiểm soát quá trình học tập theo thời gian thực.
Tuy nhiên, để ứng dụng AI vào đào tạo một cách hiệu quả, đặc biệt trong môi trường đông nhân sự, doanh nghiệp cần triển khai theo lộ trình bài bản và có chiến lược rõ ràng. Dưới đây là 5 bước triển khai đào tạo AI hiệu quả dành cho doanh nghiệp:

Bước 1: Xác định mục tiêu đào tạo và phân loại nhóm đối tượng học
Trước khi triển khai công nghệ, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu đào tạo: Đào tạo kiến thức sản phẩm mới? Chuẩn hóa kỹ năng bán hàng? Nâng cao năng lực quản lý? Mỗi mục tiêu sẽ tương ứng với một cách thiết kế nội dung và phương pháp đánh giá khác nhau.
Tiếp theo là phân loại nhóm học viên theo từng vai trò, cấp độ hoặc phòng ban. Ví dụ:
- Nhóm A: Nhân viên mới tuyển dụng dưới 3 tháng
- Nhóm B: Nhân viên bán hàng chính thức trên 6 tháng
- Nhóm C: Quản lý khu vực hoặc trưởng cửa hàng
Ví dụ, tập đoàn A sẽ chia nhân viên thành 4 nhóm để ứng dụng AI trong chương trình đào tạo: bán hàng, back-office (kho, vận hành), team leader, và nhân viên mới. Mỗi nhóm có chương trình đào tạo AI riêng biệt, giúp tối ưu hóa chi phí và nội dung.
Bước 2: Chuẩn hóa nội dung đào tạo theo chuẩn doanh nghiệp
AI chỉ hiệu quả khi được “nạp” dữ liệu chất lượng. Doanh nghiệp cần rà soát và hệ thống hóa lại toàn bộ học liệu hiện có: tài liệu sản phẩm, video hướng dẫn, chính sách nội bộ, quy trình nghiệp vụ… Sau đó, tổ chức nội dung theo từng cấp độ kỹ năng hoặc theo năng lực đầu ra mong muốn.
Tiếp theo, doanh nghiệp có thể đưa toàn bộ tài liệu lên nền tảng số và phân loại theo nhóm kỹ năng (bán hàng, kỹ thuật, quản lý...), theo thời lượng (dưới 5 phút, 15 phút...), theo đối tượng học.
Đồng thời, doanh nghiệp nên chuyển đổi nội dung sang các định dạng phù hợp với mô hình Micro Learning như:

- Video ngắn (1–3 phút)
- Câu hỏi trắc nghiệm tự động
- Infographic
- Tình huống mô phỏng tương tác
Ví dụ, doanh nghiệp có thể chuyển tài liệu đào tạo sản phẩm sang dạng video 2 phút và flashcard hỏi đáp nhanh để tích hợp vào trợ lý đào tạo AI, giúp nhân viên học qua điện thoại trong giờ nghỉ.
Bước 3: Lựa chọn nền tảng đào tạo AI phù hợp
Tùy theo nhu cầu và nguồn lực, doanh nghiệp có thể lựa chọn:
- Nền tảng LMS tích hợp AI
- Chatbot trong giáo dục đào tạo nội bộ
- Ứng dụng Micro Learning tích hợp trợ lý học tập ảo
Khi chọn nền tảng, doanh nghiệp cần đảm bảo công nghệ hỗ trợ được đúng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Một số tiêu chí cần quan tâm:
- Giao diện đơn giản, dễ dùng với nhân viên phổ thông
- Hỗ trợ đa thiết bị (PC, điện thoại, tablet)
- Có khả năng tích hợp chatbot, trợ lý ảo, microlearning
- Báo cáo học tập theo thời gian thực
- Hỗ trợ đa ngôn ngữ nếu công ty có nhân sự nước ngoài
Một số nền tảng ứng dụng AI trong triển khai đào tạo doanh nghiệp có thể tham khảo:
- FPT.AI Mentor – mạnh về đào tạo nhân sự bán lẻ và tuyến đầu
- Edubit – phù hợp với doanh nghiệp muốn xây dựng hệ thống học tập nội bộ
- ChatGPT API hoặc Google Dialogflow – xây chatbot hỏi đáp kiến thức nội bộ
Bước 4: Kích hoạt triển khai thử nghiệm và cải tiến liên tục
Doanh nghiệp nên bắt đầu với giai đoạn thử nghiệm (pilot) trong một bộ phận hoặc một chi nhánh nhỏ. Sau 2–4 tuần, đánh giá hiệu quả qua các chỉ số như: tỷ lệ hoàn thành khóa học, điểm đánh giá, phản hồi nhân viên.
Trong giai đoạn thử nghiệm, doanh nghiệp cần thường xuyên thu thập phản hồi từ nhân viên học thử và trưởng bộ phận quản lý. Mỗi cải tiến nhỏ sẽ giúp AI hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Những yếu tố cần kiểm tra:

- Nội dung học có dễ hiểu không?
- Chatbot có trả lời chính xác không?
- Hệ thống có báo cáo kịp thời, đúng dữ liệu?
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tạo nhóm Zalo nội bộ giữa bộ phận đào tạo và các nhân viên học thử để thu thập phản hồi liên tục trong quá trình thử nghiệm.
Bước 5: Mở rộng toàn hệ thống và đo lường hiệu quả
Sau khi thử nghiệm thành công, doanh nghiệp có thể triển khai trên toàn hệ thống và gắn chặt với KPIs đào tạo. Việc này giúp bộ phận HR không chỉ theo dõi tiến độ học mà còn đo lường được tác động thực tế đến công việc.Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp cần gắn AI vào KPI đào tạo rõ ràng, ví dụ:
- Nhân viên hoàn thành khóa đào tạo đúng hạn
- Nhân viên hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp
- Tỷ lệ vượt qua bài kiểm tra đạt từ 80% trở lên
- Gắn thưởng KPI với kết quả học tập thực tế
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đo lường tác động thực tế của đào tạo đến công việc, chẳng hạn:
- Nhân viên học kỹ năng tư vấn → tỷ lệ bán chéo tăng 15%
- Quản lý học kỹ năng phản hồi → giảm 30% khiếu nại khách hàng
- Nhân viên học quy trình sản phẩm → giảm lỗi sai đơn hàng
5. Case study doanh nghiệp ứng dụng AI trong đào tạo nhân lực
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang từng bước chuyển đổi cách tiếp cận đào tạo truyền thống sang mô hình đào tạo thông minh bằng AI.
5.1. Nhà thuốc Long Châu
Là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam với hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc, Long Châu (thuộc hệ thống FPT Retail) sở hữu đội ngũ dược sĩ lên tới hơn 7.000 người. Với đặc thù ngành nghề yêu cầu kiến thức chuyên môn cao, thường xuyên cập nhật sản phẩm, đồng thời lực lượng nhân sự phân bổ rải rác ở nhiều tỉnh thành, Long Châu gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo nội bộ.
Các hình thức đào tạo truyền thống như lớp học tập trung hoặc hướng dẫn trực tiếp không chỉ tốn kém chi phí mà còn thiếu đồng bộ và không theo kịp tốc độ mở rộng hệ thống.
Để giải bài toán này, Long Châu đã triển khai giải pháp FPT.AI Mentor – trợ lý đào tạo ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên FPT AI Mentor. Trợ lý này hoạt động trên nền tảng Zalo, giúp dược sĩ dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi. Nội dung học được xây dựng dưới dạng ngân hàng câu hỏi thông minh, xoay quanh kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực tế trong ngành Dược.
Hệ thống này đặc biệt nổi bật ở khả năng cá nhân hóa nội dung đào tạo, tùy chỉnh theo từng giai đoạn phát triển hoặc vị trí công việc của mỗi dược sĩ. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp chatbot hỗ trợ hỏi đáp kiến thức về sản phẩm và quy trình nghiệp vụ theo thời gian thực.

5.2. Thương hiệu thời trang nam Aristino
K&G Việt Nam – đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang nam Aristino, hiện đang vận hành hệ thống hơn 120 cửa hàng trên khắp cả nước. Với đặc thù ngành bán lẻ thời trang, nơi nhân viên thường xuyên thay đổi, làm việc theo ca và có lịch trình không cố định, việc tổ chức đào tạo đồng loạt cho toàn hệ thống luôn là một thách thức lớn. Ngoài ra, sản phẩm liên tục ra mẫu mới, chính sách khuyến mãi thay đổi theo tuần khiến yêu cầu cập nhật kiến thức trở nên cấp thiết.
Trước thực tế đó, K&G đã áp dụng AI vào hệ thống đào tạo nội bộ. Thay vì tập trung nhân viên đến văn phòng để học offline, mỗi nhân viên bán hàng nay có thể học trực tiếp qua điện thoại. Nội dung được xây dựng xoay quanh các chủ đề sát thực tế như kiến thức sản phẩm mới, cách phối đồ theo xu hướng, kỹ năng tư vấn tâm lý khách hàng, xử lý phản đối, chính sách bảo hành đổi trả... Các bài học được chia nhỏ dưới dạng video ngắn và tình huống mô phỏng thực tế.
Bên cạnh đó, K&G còn triển khai chatbot đào tạo nội bộ, đóng vai trò như một “trợ giảng” luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên. Khi cần tra cứu chính sách đổi trả, ưu đãi đang áp dụng hay hướng dẫn về tính năng sản phẩm, nhân viên chỉ cần đặt câu hỏi trực tiếp trên chatbot, không cần gọi lên tổng đài hay chờ cấp quản lý phản hồi.

6. Xu hướng phát triển của trợ lý đào tạo AI trong tương lai
Trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ tối ưu hoá chi phí hay thời gian đào tạo, mà còn là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái học tập thông minh, liên tục và thích ứng với mọi thay đổi.
Dưới đây là những xu hướng nổi bật dự báo sẽ định hình tương lai của AI trong đào tạo nguồn nhân lực.
6.1. Tích hợp Generative AI tạo nội dung đào tạo tự động
Một trong những thay đổi mang tính đột phá nhất là khả năng tự động hóa việc tạo ra học liệu. Generative AI như các mô hình như ChatGPT, Gemini, Claude... đang giúp bộ phận đào tạo (L&D) chuyển từ vai trò “người xây bài học” sang “người định hướng chiến lược”. Thay vì mất hàng tuần để viết bài giảng, làm slide, quay video và tạo câu hỏi, giờ đây chỉ cần nhập thông tin sản phẩm, quy trình, kỹ năng cần đào tạo, AI sẽ tự động:

- Viết nội dung bài học theo ngôn ngữ đơn giản, phù hợp với trình độ người học.
- Chuyển nội dung thành video có lồng tiếng, phụ đề, hình minh họa.
- Tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm, tình huống mô phỏng đi kèm.
- Cá nhân hóa nội dung theo từng bộ phận hoặc cấp bậc.
Ví dụ, Một doanh nghiệp FMCG muốn đào tạo đội ngũ bán hàng về sản phẩm mới. Sau khi nhập mô tả sản phẩm vào nền tảng AI, hệ thống tự động tạo ra khóa học ngắn gọn cho nhân viên tuyến đầu, bản nâng cao cho quản lý vùng, và một chatbot nội bộ để trả lời các câu hỏi thường gặp của nhân viên trong quá trình làm việc.
6.2. AI tương tác người học qua video, hình ảnh động
Thay vì chỉ đưa ra bài học dạng văn bản khô cứng, AI trong tương lai sẽ có khả năng tương tác trực quan với người học thông qua video, hình ảnh động, biểu cảm ảo và mô phỏng phản ứng. Các video học sẽ có giọng đọc tự nhiên, tình huống thực tế, nhân vật mô phỏng gần giống người thật, giúp người học cảm thấy như đang tham gia một lớp học thực thụ, thay vì học một chiều như hiện nay.
AI cũng có thể tạm dừng video giữa chừng để đặt câu hỏi, gợi ý tài liệu mở rộng, hoặc thậm chí phản hồi theo cảm xúc người học nếu kết hợp thêm công nghệ AI nhận diện khuôn mặt.
6.3. Kết hợp thiết bị đeo thông minh & đào tạo thực tế ảo
Khi doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số ở quy mô sâu rộng, việc kết hợp AI với công nghệ phần cứng như thiết bị đeo thông minh (smartwatch, kính AR/VR...) sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Các thiết bị này giúp ghi lại quá trình học, theo dõi mức độ tập trung, tương tác và thời gian học thực tế của nhân viên.
Đồng thời, đào tạo qua công nghệ AR trong giáo dục cho phép mô phỏng tình huống công việc một cách trực quan, đặc biệt hữu ích với các vị trí như kỹ thuật viên, sản xuất, bán lẻ hoặc dịch vụ.

Ví dụ, Một nhân viên kho vận có thể đeo kính VR để tham gia khóa học hướng dẫn quy trình đóng gói với không gian 3D mô phỏng như thật. Trong khi đó, AI ghi nhận tốc độ thao tác, sự chính xác và thời gian hoàn thành để đánh giá năng lực mà không cần giám sát trực tiếp.
Có thể thấy rằng, AI trong đào tạo nhân lực đang trở thành xu hướng công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc ứng dụng AI giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình đào tạo, cá nhân hóa học tập, tối ưu hóa chi phí và thời gian, đồng thời cung cấp khả năng theo dõi và đánh giá hiệu quả một cách chi tiết và chính xác. Để không bị bỏ lại phía sau, việc đầu tư vào AI trong đào tạo là điều cần thiết cho mỗi tổ chức muốn phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.